Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Vì sao sinh viên lười đọc sách?

Vì sao sinh viên lười đọc sách?

‘Nhiều bạn coi đại học là bến đỗ xả hơi, điểm nghỉ ngơi sau 12 năm phổ thông miệt mài cố gắng để thi. Nhiều học sinh đỗ vào trường với điểm cao, nhưng sau một thời gian lại tụt dốc bởi sự chủ quan và lơi là trong học tập’, độc giả Phạm Nga chia sẻ.

Cuối tháng 9 vừa qua, VnExpress đăng tải tâm thư của thầy giáo Nguyễn Quốc Vỹ (Trần Phú, Quy Nhơn) thể hiện sự lo ngại khi hầu hết sinh viên của thầy đều ngại học, lười học, lười tư duy, sáng tạo. Nhưng hiện nay đó không chỉ là câu chuyện của riêng thầy, riêng những sinh viên đó mà một bộ phận sinh viên đang trở nên lười biếng, buông lỏng việc học.

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan khiến sinh viên lười nhác. Chương trình giáo dục đại học cồng kềnh, nặng về lý thuyết; các giờ học trên lớp quá dài và nhàm chán, thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên rất ít; khâu kiểm tra, quản lý ở bậc đại học vô cùng lỏng lẻo. Ngoài ra, các lý do khác cũng được đưa ra để biện minh cho sự lười biếng của sinh viên, đó là có nhiều hoạt động ngoại khóa bên lề, bận rộn với công việc làm thêm, thời gian quá hạn hẹp…

Nhưng ở cái tuổi còn đến lớp đến trường, còn cái gì có thể quan trọng hơn việc học. Bởi vậy nguyên nhân chính của bệnh lười xuất phát từ lý do chủ quan ở chính sinh viên. Nhiều bạn coi đại học là bến đỗ xả hơi, điểm nghỉ ngơi sau 12 năm phổ thông miệt mài cố gắng để thi đỗ đại học. Nhiều học sinh đỗ vào trường đại học với điểm số khá cao, nhưng sau một thời gian học đại học lại tụt dốc bởi sự chủ quan và lơi là trong học tập.

Họ cho rằng những kiến thức có được đã đủ, nhưng đang quên mất rằng xã hội luôn phát triển, những kiến thức mà họ có chỉ như một hạt cát trên sa mạc tri thức, phải luôn trau đồi, vận dụng kiến thức vào thực tế để rút ra cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm sống.

Chặng đường học tập của con người là quá trình giống như một hình chóp ngược. Con người khi mới bắt đầu học tập chỉ học những kiến thức đơn giản, càng lên cấp học cao, các kiến thức, kỹ năng càng phát triển sâu rộng hơn; đồng nghĩa với việc phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều. Nhưng nhìn xem thực tế hiện nay, ở cấp độ học gần như cao nhất là đại học, sinh viên lại trở nên lười biếng, buông lỏng việc học, đó có phải là một nghịch lý.

Trong thực tế, một bộ phận sinh viên chỉ học đối phó, sức học có thể rất tốt nhưng không nỗ lực, tập trung vào học tập, coi chuyện học lại, thi lại là điều bình thường, thậm chí là tất yếu của sinh viên. Với tư tưởng như vậy, sinh viên lười tư duy, lười tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thụ động trong học tập, trong việc tiếp nhận những kiến thức mà thầy cô truyển tải, dẫn tới cạn kiệt dần sức sáng tạo. Trong xã hội phát triển hiện nay, sự cạnh tranh trong năng lực, sức sáng tạo là rất khốc liệt, nó quyết định tới vị trí của sinh viên trong mắt nhà tuyển dụng.

Lười học, lười vận động làm cho sinh viên dần trở nên chây ì, dậm chân tại chỗ. Nhưng sự phát triển của xã hội, của thế giới lại không ngừng vận động, thậm chí là với tốc độ chóng mặt. Nếu sinh viên Việt Nam cứ mãi chậm chạp, cứ mãi thụ động, cứ mãi đứng yên một chỗ thì sẽ bị thụt lùi, bị bỏ lại sau lưng, mãi mãi không theo kịp sự phát triển của thế giới. Vì vậy, căn bệnh lười đang trở thành một vật cản, làm cho chúng ta thụt hậu, thua trong cuộc chạy đua của tri thức, nhất là khi lớp trẻ là thế hệ tương lai, quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước.

Nếu như sinh viên cũng chăm học như những học sinh cấp 3 đang ôn thi đại học thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Học sinh cấp 3 lấy mục tiêu vào đại học để cố gắng nhưng dường như sinh viên chưa coi chuyện có kiến thức để xin việc làm là mục tiêu của mình. Chính vì vậy, họ chưa cố gắng phát huy, rèn luyện khả năng của bản thân. Học tập mà không rõ mục tiêu cũng giống như ta bắn một mũi tên mà chưa xác định được đích vậy. Đã đến lúc sinh viên cần nhìn lại chính mình để thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, để chấn chỉnh lại quá trình học tập, chính sinh viên mới có thể tự điều trị “căn bệnh” lười của mình.

Phạm Nga (VN-EXPRESS)

About Tổ Thư viện

Tin liên quan

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Lê Thị Tố Quyên

Thực hiện quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Du lịch – Đại …