Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH LÀNG NGHỀ THỪA THIÊN HUẾ

NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH LÀNG NGHỀ THỪA THIÊN HUẾ

     Du lịch lễ hội văn hoá, du lịch làng nghề truyền thống là một thế mạnh và nét đặc trưng vốn có của du lịch Thừa Thiên Huế hiện tại và trong tương lai. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống như một chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng dân cư địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
     Phát triển du lịch làng nghề được coi là một hướng đi rất quan trọng để gìn giữ, giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc, của quốc gia và đặc biệt là của từng địa phương cụ thể. Phát triển mô hình du lịch làng nghề còn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững trong tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như trên thị trường quốc tế. Nếu được tham gia một chương trình du lịch đúng dịp làng nghề tổ chức các lễ hội tôn vinh tổ nghề thì đó là dịp may hiếm có cho du khách. Các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, nhất là các công ty du lịch cần tận dụng tốt những cơ hội như vậy để sắp xếp chương trình và đan xen vào những điểm du lịch khác.
     Khách du lịch đến làng nghề không chỉ để xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm hay đến mua sắm, tham quan làng nghề mà còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị nhân văn trong nó, những giá trị phi vật thể tồn tại hàng ngàn năm. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, nên tổ chức, khôi phục các lễ hội các làng nghề, qua đó giới thiệu xuất xứ làng nghề, ông tổ đã sinh ra nghề…và nét đẹp của nghề đó. Một điều dễ nhận thấy là khách du lịch quốc tế đi du lịch Việt Nam thường rất thích tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của người Việt Nam, chính vì thế, những chương trình du lịch làng nghề sẽ là cách hay nhất để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đang cố gắng gìn giữ những di sản cha ông để lại và phát huy, sáng tạo nó. Khách đến tham quan làng nghề sẽ được tận mắt chứng kiến những tinh hoa mà cha ông ta để lại và được biết nhiều hơn về văn hoá, lối sống Việt nam.
     Ở phần lớn các làng nghề, đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý vốn kiến thức thị trường và kĩ năng marketing đều thiếu và yếu. Bản thân các làng nghề thủ công truyền thống chưa thể tự điều tra, khảo sát nhu cầu khách du lịch, trong khi các tổ chức, hiệp hội làng nghề chưa khẳng định được vai trò của mình trong việc định hướng bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề. Do vậy, để duy trì làng nghề, sản phẩm mang bản sắc văn hoá đích thực, phải tạo môi trường tốt cho thợ thủ công, nghệ nhân sáng tạo và tôn vinh giá trị văn hoá nghề của họ… Để phát triển du lịch làng nghề, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để thực hiện khâu tổ chức tiếp thị, hướng dẫn, phát triển du lịch làng nghề, trong đó vai trò của các công ty lữ hành vô cùng quan trọng.
     Hiện nay, có hai mô hình làng nghề du lịch đang được đầu tư phát triển. Một là, phát huy làng nghề truyền thống trên cơ sở vốn có từ xa xưa của địa phương. Mô hình này, cần có sự đầu tư của nhà nước rất lớn trong công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy để đưa vào hoạt động một cách có hiệu quả. Hai là, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó, phục dựng không gian truyền thống để khai thác các giá trị sản phẩm văn hoá như mô hình đầu tư của các dự án nước ngoài vào giúp đỡ địa phương phục hồi các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề. Để phát triển và khai thác tối đa các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế, đồng thời tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Nâng cao nhận thức về du lịch làng nghề tại Việt Nam ở từng địa phương
Nhận thức về du lịch làng nghề truyền thống đối với toàn cộng đồng, các cơ quan quản lý cũng như những doanh nghiệp du lịch hiện nay còn thiếu và yếu. Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận “mằn mà” với các làng nghề truyền thống và bản thân những đơn vị từng tổ chức loại hình tổ chức du lịch này còn chưa hiểu sâu sắc khái niệm và các đặc trưng cơ bản của nó.

2. Dưới góc độ các cơ quan quản lý du lịch
Một là, các cơ quan quản lý du lịch như chính quyền địa phương, Sở Du lịch, Tổng cục Du lịch nên có sự quản lý chặt chẽ, phối hợp tổ chức với chính quyền địa phương trong việc tái hiện lại các làng nghề thủ công truyền thồng của địa phương thông qua các hoạt động sản xuất tại chổ của các làng nghề một cách bài bản. Hai là, cần bổ sung số liệu thống kê chính xác, xây dựng tài liệu về địa lý, kinh tế, xã hội của vùng giúp khách du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về khu vực sẽ đến hỗ trợ, tham quan, tham gia hay được tự sản xuất những đồ lưu niệm tại chổ, kéo dài thời gian lưu trú của họ tại điểm đến. Ba là, cần xây dựng chiến dịch tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của loại hình du lịch làng nghề trên phạm vi cả nước để nâng cao nhận thức cho mọi người dân Việt Nam và thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hình thức du lịch này. Bốn là, cần tạo điều kiện hơn nữa cho các công ty du lịch trong và ngoài nước được tiếp cận và đầu tư một phần kinh phí để hổ trợ, tư vấn và tổ chức giúp đỡ các tay nghề ở địa phương giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống của địa phương. Năm là, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo cơ sở pháp lý phù hợp, để những trái tin đầy nhiệt huyết của người dân địa phương có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình, sống có trách nhiệm hơn với xã hội.

3. Dưới góc độ các đơn vị tổ chức (công ty du lịch, tổ chức phi chính phủ…)
Về khả năng liên kết và hợp tác: Do khả năng tài chính không dồi dào, các công ty du lịch có thể liên kết với nhau và với các tổ chức phi chính phủ để tổ chức, tài trợ cho các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người dân, hỗ trợ quản lý về du lịch cho chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Huế cần tiếp nhận sản phẩm của địa phương như nồi gốm Phước Tích, nón Phú Cam, tranh tre mỹ nghệ..có chính sách khuyến khích du khách làm quà hay mua làm quà tặng trong chuyến đi của họ nhằm kích thích các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ địa phương tích cực làm ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn.

Về đối tượng khách: Thị tường mục tiêu của các doanh nghiệp du lịch hiện nay chủ yếu chỉ là tkhách quốc tế mà gần như lãng quên thị trường khách du lịch trong nước đầy tiềm năng. Do đó cần tập trung và đa dạng hoá hơn nữa đối tượng khách.

Về chính sách sản phẩm: Tuỳ đối tượng khách phù hợp, các công ty du lịch có thể kết hợp chương trình thông thường với các hoạt động cộng đồng như bán các mặt hàng lưu niệm, tham gia tự sản xuất ra hàng lưu niệm mà khách thích thú hay quan tâm. Muốn vậy, cần tìm hiểu khả năng và sở thích của khách cũng như năng lực của cộng đồng, từ đó thiết kế và tổ chức các tour du lịch làng nghề dài ngày vừa hấp dẫn, thiết thực và có ý nghĩa. Kết hợp với các chương trình du lịch như du lịch mạo hiểm, trekking tour, du lịch sinh thái, homestay, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng… cũng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đăc sắc và hấp dẫn.

Về chính sách giá cả: Cần đảm bảo tính thoả đáng, cạnh tranh, linh hoạt của săn phẩm làng nghề truyền thống (hàng thủ công mỹ nghệ…). Giá cả cần có sự điều chỉnh, tính toán kĩ lưỡng cho phù hợp với mọi đối tượng khách…

Về chính sách phân phối: Các đơn vị tổ chức loại hình du lịch này cần tranh thủ hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị, nhà cung ứng và chính quyền địa phương… nhằm phân phối sản phẩm du lịch mới mẻ này đến mọi miền đất nước, tạo nên dịch vụ đa dạng và hiệu quả cao.

Về chính sách xúc tiến quảng bá: Cần xây dựng chiến lược xúc tiến dựa trên điểm mạnh sẵn có của sản phẩm trên thị trường. Muốn vậy, cần đẩy mạnh kênh thông tin về điểm đến, đặc biệt là mạng Internet để du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến và quyết định mua chương trình du lịch.

Nghiên cứu để bảo tồn và nâng cao giá trị làng nghề Huế sẽ góp phần làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc đó cũng là yếu tố góp phần cho quá trình phát triễn ổn định và bền vững của đất nước hôm nay và mai sau vì Huế là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hoá thế giới.

Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Trưởng BMLH

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Mô hình hỗ trợ người học của Trường Du lịch – Đại học Huế: Cánh cửa mở ra bầu trời mới

Cánh cửa mở ra bầu trời mới đã giúp khám phá thêm tri thức, để …