Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Hội thảo bàn về chính sách phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Hội thảo bàn về chính sách phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

(TITC) – Sáng ngày 3/8/2018, tại Mai Châu, Hòa Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã chủ trì tổ chức hội thảo “Chính sách phát triển du lịch cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có ông Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch; bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cùng hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên các trường du lịch, đại diện các Sở VHTTDL, các doanh nghiệp, các hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại hội thảo ông Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL nhấn mạnh du lịch cộng động hiện nay là loại hình du lịch hấp dẫn phát triển mạnh trên toàn cầu và mang lại nhiều lợi ích cho cộng động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Những năm gần đây tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đang phát  triển ở nhiều địa phương như: Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam… tuy nhiên nhìn chung so với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, việc phát triển du lịch cộng đồng chưa tương xứng, có nhiều nơi còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình tổ chức du lịch cộng đồng còn thụ động, chính quyền chưa tạo được chính sách để người dân được hưởng lợi chính đáng từ những hoạt động du lịch cộng đồng của mình.

Ông Lương mong muốn hội thảo là diễn đàn cho các nhà quản lý, chính quyền địa phương, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh du lịch bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm về 2 vấn đề: (1) Đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch cộng đồng trên cả nước và ở từng vùng, địa phương, chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; (2) Tập trung vào vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng, từ đó đưa ra đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý ở nhà nước và chính quyền địa phương để xây dựng những chính sách giải pháp hỗ trợ phù hợp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong những năm qua du lịch cộng đồng có sự phát triển nhanh, có nhiều đột phá trong thu hút khách du lịch cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chỉ đóng góp trực tiếp vào việc định hướng phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc  của từng cộng đồng địa phương, mà còn nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên du lịch cộng đồng cũng bộc lộ những hạn chế như: bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong điều kiện khai thác phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính đại trà, ít có điểm nhấn thể hiện bản sắc độc đáo của cộng đồng địa phương; điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều điểm du lịch cộng đồng chưa thực sự đảm bảo để đáp ứng phục vụ khách du lịch; vấn đề phân phối, chia sẻ lợi ích từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng còn nhiều bất cập; nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại hội thảo các chuyên gia du lịch cũng đã nêu lên nhiều giải pháp và chia sẻ các kinh nghiệm về du lịch cộng đồng. TS. Đoàn Mạnh Cương (Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL) đã nêu lên giải pháp phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Để làm được điều này cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành lựa chọn sản phẩm do người dân địa phương làm ra. Cộng đồng phải được chia sẻ lợi ích từ việc phát triển du lịch. Tại mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm để làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương giúp đỡ hướng dẫn các xóm, bản tổ chức đón tiếp, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch đã gợi ý giải pháp định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng Vùng Tây Bắc theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng các nước ASEAN. Tại Việt Nam có 3 điểm du lịch cộng đồng đã được trao giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN là điểm du lịch cộng đồng xóm Pom Coọng, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình; điểm du lịch Thanh Toàn, xã Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế; điểm du lịch cộng đồng làng Triêm Tây, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Trao đổi tại hội thảo, TS. Nguyễn Tư Lương – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã đưa ra các vấn đề về công tác đào tạo nhân lực địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng được tiến hành với nhiều nội dung như: cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch; vấn đề đảm bảo an ninh và an toàn cho khách; giới thiệu các điểm đến, phương thức giao tiếp, ứng xử với khách du lịch…

Ông Lưu Huy Linh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình chia sẻ, huyện Mai Châu là địa phương đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng từ những năm 1990 và đến nay huyện đã có 7 điểm hoạt động và phát triển du lịch cộng đồng điển hình. Tỉnh Hòa Bình cũng đã xây dựng quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa bản địa, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Hòa Bình.

Tại hội thảo, đại diện các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng cũng đã nêu lên những hạn chế, khó khăn trong việc kinh doanh phát triển du lịch cộng đồng ngay tại địa phương mình như: người dân khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển, cơ chế chính sách phát triển chưa đồng bộ, người dân còn thiếu kiến thức và năng lực để quảng bá sản phẩm du lịch của mình…

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định rằng du lịch cộng đồng đang là xu thế phát triển tất yếu, nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của các địa phương, còn thiếu cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch cộng đồng. Do đó Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Qua đó, tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn.

Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn

About admin

Tin liên quan

Huế là điểm đến không thể bỏ lỡ trong năm 2024

Mới đây, tạp chí du lịch Travel+Leisure vừa đề xuất Thừa Thiên Huế là một …