Ngày 9/8/2016, tại thủ đô Jakarta – Indonesia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức công bố Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP). Với thỏa thuận này sẽ tạo ra một cơ chế thống nhất để lao động ngành du lịch ở mỗi nước thành viên có thể được công nhận và làm việc tại bất kỳ nước nào khác trong nội khối ASEAN, từng bước hình thành một thị trường lao động du lịch thống nhất, cạnh tranh và có chất lượng.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau chuẩn nghề du lịch gồm có 32 chức danh nghề được chuẩn hóa, cùng với 52 loại văn bằng, chứng chỉ, tạo khung pháp lý cho hoạt động đào tạo, đánh giá và thẩm định năng lực của lao động du lịch của các nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành du lịch ở các quốc gia thành viên ASEAN.
Như vậy thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch của các nước ASEAN mở ra cơ hội rất lớn cho những ai quan tâm và muốn phát triển hướng nghiệp của mình theo ngành công nghiệp năng động và thời thượng này. Có thể nói rằng, trong ngữ cảnh thị trường mở đối với lao động du lịch thì vấn đề việc làm không còn là nổi ám ảnh của người học nếu họ biết tích lũy cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng như khả năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Thực tế cho thấy, ngay cả thị trường lao động du lịch ở nước ta nói chung và khu vực MT-TN nói riêng thì vấn đề giải quyết việc làm của sinh viên du lịch không phải bị hạn chế bởi cơ hội thị trường mà chính là năng lực thực tế của họ, đặc biệt là với các vị trí việc làm từ giám sát bộ phận trở lên. Như vậy, nếu sinh viên du lịch không thay đổi cách nghĩ, cách học và nổ lực rèn luyện mình thì chắc chắn các cơ hội việc làm trong thị trường lao động du lịch ASEAN sẽ trở thành các thách thức cho chính họ và nếu không chuẩn bị tốt thì sẽ ‘bị thua ngay trên sân nhà”.
Tháng 8/2016
HAT Marketing Group